Khi quan tâm tới điện ảnh, khán giả chủ yếu chỉ muốn biết phim này hay tuyệt cú mèo hoặc phim kia dở quá xem tốn thời gian. Tuy nhiên, để làm nên một bộ phim gửi đến khán giả, nhà làm phim nào cũng cần trải qua quá trình sản xuất đầy thử thách.

Chẳng hạn như khâu lên ý tưởng kịch bản, gọi vốn đầu tư, lựa chọn diễn viên, tìm kiếm bối cảnh, cân nhắc nhà phát hành… Nhưng trên tất cả, vượt ra ngoài phạm vi một bộ phim với mục đích giải trí đơn thuần tái hiện những câu chuyện cá nhân của nhân vật, nhà làm phim dù trực tiếp hay gián tiếp đều bày tỏ nỗi suy tư, trăn trở của họ về con người, cuộc sống và thậm chí họ còn tự vấn về cách vận hành của điện ảnh từ xưa đến nay đã thay đổi như thế nào. Hãy cùng Rạp chiếu phim tìm hiểu top 7 phim lẻ trên Netflix thể hiện sâu đậm nhất nỗi lòng của các nhà làm phim nhé!

top-7-phim-le-netflix-the-hien-noi-suy-tu-cua-nha-lam-phim

1, Roma – nỗi suy tư làm một bộ phim hiện thực hóa ký ức với phong cách phim đi ngược lại số đông

roma

Đây là bộ phim từng bị Liên hoan phim Cannes từ chối vì không đáp ứng đủ điều kiện dự thi. Cannes không chấp nhận phim đến từ nền tảng trực tuyến, không hề được chiếu rạp mà vẫn sánh ngang hàng với những phim hợp lệ khác đã được trình chiếu tại các hệ thống rạp tại Pháp. Thật là một bước đi sai lầm của Cannes khi ngay sau đó “Roma” – bộ phim nghệ thuật Mexico hiếm có của thời đại đã rinh về cơn mưa giải thưởng mơ ước: Sư Tử Vàng, Quả Cầu Vàng và 3 tượng vàng Oscar. Phim đạt 96 điểm trên nền xanh lá của Metacritic, 95% điểm cà chua tươi.

Tông màu đen trắng, tiết tấu chậm khiến phim khoác lên mình tấm áo hoài cổ. Xuyên suốt phim là mạch chảy của hồi ức cá nhân đến từ đạo diễn Alfonso Cuarón. Nhưng lời tự sự đó lại được phủ kín tinh tế qua góc nhìn của nhân vật chính Cléo – một phụ nữ giúp việc người bản địa phục vụ trong gia đình da trắng giàu có.

Phim chỉ xoay quanh những công việc thường nhật mà Cléo vun vén cho ngôi nhà. Bằng sự nhạy cảm và tinh tế, nhà làm phim gợi mở cho khán giả thấy bề sâu của câu chuyện. Nỗi lòng phải chất chứa hàng tá lớp lang suy tư thì mới đủ rung động trước một sự vật nhỏ nhoi nhất. Từ đó lăng kính tư duy mới nhìn ra các vấn đề đậm chất sử thi khác như nỗi đau thân phận, sự lụi tàn của một dân tộc, nỗi sau các cuộc bạo loạn, niềm tủi hờn và cô đơn.

Alfonso Cuarón đảm nhận hầu hết các vai trò từ nhà sản xuất, đạo diễn, biên kịch, quay phim đến thiết kế phục trang, bối cảnh. Bởi chỉ có chính ông mới hiểu được phim ông nhất. Đến 90% các cảnh phim đều được ông đánh thức từ trí nhớ. Càng đi sâu vào tiến trình quay phim, ký ức càng rõ nét và Alfonso liên tục có thêm cảm hứng mới. Ông cũng đảm nhận vai trò quay phim chính với cách lựa chọn các góc máy tĩnh, đề cao các cảnh quay dài không cắt, động tác máy di chuyển độc lập với hành động của diễn viên.

Ông không hề tiết lộ kịch bản cho các diễn viên mà chỉ gợi ý những thao tác cơ bản cần có giúp cho việc hóa thân vào nhân vật tự nhiên hơn rất nhiều. Nhưng điểm thú vị là Alfonso giải thích với mỗi diễn viên theo cách khác nhau khiến cho ngày nào phim trường cũng trở nên hỗn loạn. Lý giải về cách chỉ đạo diễn xuất kỳ lạ này, ông đã nói: “Đó mới chính là cuộc sống. Bạn đâu thể lập kế hoạch chính xác mình sẽ xử lý như thế nào trước một tình huống nào đó”.

Công đoạn lựa chọn diễn viên của bộ phim cũng tốn khá nhiều thời gian. Không hề chờ đợi các ngôi sao điện ảnh, phim chỉ tập trung casting những con người nghiệp dư toát lên vẻ chân thực phù hợp với nhân vật. Chẳng hạn như nhân vật chính được đóng bởi Yalitza Aparicio – nữ giáo viên đóng phim lần đầu, sở hữu thân hình của người lao động đời thường và khuôn mặt phúc hậu gợi nhắc ký ức cho đạo diễn về người “vú em” tần tảo đã bên ông suốt thời gian ấu thơ. Cô được đạo diễn chọn trong số 110 người ứng cử cho vai diễn. trước khi đến thử vai, cô không hề biết Alfonso là ai và cũng chưa hề xem phim nào của ông.

Tên phim “Roma” nếu viết ngược lại sẽ thành “Amor” có nghĩa là tình yêu. Nhà làm phim người Mexico không chỉ dành tình yêu cho những ký ức tuổi thơ và cố gắng đánh thức chúng trước khi bị nhịp sống vội vã đương đại vùi vào hố sâu quên lãng. Alfonso Cuarón còn dành tình yêu lớn cho điện ảnh. Ông suy tư thế nào là nghệ thuật đích thực? Điện ảnh kiệm lời, bình dị mà sâu sắc, đi ngược lại với số đông, dám thách thức những lối mòn và nhà làm phim cần kiên định để giữ chất riêng khó lòng hòa lẫn.

2, The Irishman – nỗi trăn trở sử dụng công nghệ mới trong điện ảnh

The-Irishman

Từ khởi điểm là một công ty cho thuê đĩa DVD qua đường bưu điện vào năm 1997, đến nay đã qua hơn hai thập kỷ, Netflix gây dựng một chỗ đứng vững chắc trên thị trường phim ảnh và trong lòng khán giả. Để có thành quả đáng mong ước đó, không chỉ nằm ở chiến lược khôn ngoan khi lựa chọn phát hành những phim độc lạ, Netflix giờ đây đã trở thành “ông lớn chịu chơi” trong nền công nghiệp điện ảnh, khi tự mình sản xuất phim có vốn đầu tư “khủng”, tranh giải Quả cầu Vàng, Oscar ngang ngửa với các hãng phim lớn lâu năm.

Bộ phim “The Irishman” dựa trên cuốn sách “I Heard You Paint Houses” được viết bởi công tố viên Charles Brandt với nền tảng câu chuyện có thật, kể về cuộc đời đầy biến cố của Frank Sheeran từ một người lao động tầm thường trở thành ông trùm băng đảng thế giới ngầm. Phim quy tụ hàng loạt ngôi sao từng đảm nhận những vai mafia nặng ký như Robert De Niro, Al Pacino, Joe Pesci và Anna Paquin. Dàn diễn viên này đã trở thành huyền thoại trong các phim như The Godfather, Goodfellas, Casino…

Phim ấp ủ ý tưởng từ năm 2007 nhưng sau quá nhiều lần bị các hãng phim từ chối, cuối cùng Netflix cũng chấp nhận bộ phim của Martin Scorsese với kinh phí lên tới hơn 150 triệu USD. Thật là một ván cá cược quá liều lĩnh và mạo hiểm cho một bộ phim dạng hoài niệm quá khứ phong cách gangster chủ yếu toàn thoại từ những “bố già” nghiêm nghị và vắng bóng những cô gái bốc lửa hút mắt. Phim cũng mất đến 4 năm hậu kỳ và quá trình quảng bá cho phim tranh giải Oscar một lần nữa tiêu tốn hao kiệt ví của Netflix.

Phim được xướng tên trong 10 đề cử hạng mục của Oscar năm vừa qua nhưng lại ra về trắng tay. Nhưng đâu nhất thiết phải mang giải Oscar ra đánh giá một bộ phim hay, “The Irishman” vẫn được lòng giới phê bình với 96% cà chua tươi trên Rotten Tomatoes và 7,9/10 trên IMDb.

Nỗi trăn trở dám tiến hành đầu tư kinh phí “khủng” vào tác phẩm có phong cách khác hẳn với khuôn mẫu phim ảnh thời đại bây giờ cũng là một điều xứng đáng được vinh danh dành cho cả nhà sản xuất và đạo diễn. Nhưng khi bắt tay vào gây dựng “đứa con tinh thần”, Martin Scorsese mới nhận ra sự đối nghịch giữa cách làm phim truyền thống thiên về diễn xuất biểu cảm của diễn viên và cách làm phim công nghệ mới sử dụng kỹ xảo.

Với nội dung xuyên suốt lịch sử nước Mỹ, độ dài phim phải lên tới 3 tiếng rưỡi để thỏa mãn việc tái hiện cuộc đời của nhân vật. Các diễn viên U70 buộc phải tận dụng tối đa công nghệ “trẻ hóa” để nhân vật của họ quay ngược thời gian trở lại thời tuổi trẻ kiêu hùng. Họ vừa phải thích ứng với công nghệ làm phim hiện đại này, vừa phải tự biến đổi mình theo quá trình trưởng thành của nhân vật. Từ giọng nói, cử chỉ, diễn biến tâm lý đều phải khớp với từng độ tuổi.

Từ đây, đạo diễn Martin Scorsese suy ngẫm: “Liệu có phải công nghệ này làm thay đổi luôn cả đôi mắt diễn viên? Nếu vấn đề là như vậy, thì điều tôi mong muốn được nhìn thấy trong đôi mắt diễn viên là gì? Sự kịch tính? Sự đe dọa? Sự nghiêm nghị? Làm thế nào để chúng ta lấy lại được những cảm xúc đó trong đôi mắt?”.

Trước đó, chính ông đã “gây chiến” với dòng phim siêu anh hùng khi cho rằng “vũ trụ phim siêu anh hùng Marvel như một công viên giải trí màu mè nơi ai cũng có thể ra vào tùy ý” và chúng “không phải là điện ảnh”. Dù quan niệm này chỉ mang tính cá nhân và có khi bị đánh giá là “quá cực đoan” nhưng lại minh chứng về sự “trở mình” tiến hóa của điện ảnh qua từng ngày. Các nhà làm phim liệu có nên đặt ra câu hỏi công nghệ mới nên góp phần hỗ trợ điện ảnh thay vì điện ảnh “bị thao túng” và quá lệ thuộc vào những thuật toán kỹ xảo?

3, First They Killed My Father – niềm trăn trở về một trang sử đáng buồn

First-They-Killed-My-Father

Nạn diệt chủng Khmer Đỏ 1975-1979 trở thành trang sử buồn của người Campuchia nói riêng và nhân loại nói chung. Nỗi đau của dân tộc Campuchia hầu như chỉ xuất hiện qua các thước phim tài liệu. Nhưng mới đây, “nữ hoàng từ thiện” Angelina Jolie đã thực hiện thành công bộ phim “First They Killed My Father” tái hiện thực trạng chiến tranh tàn khốc qua góc nhìn của một cô bé Campuchia.

Những năm đầu 2000, Angelina Jolie sang Campuchia để quay bộ phim “Lara Croft: Tomb Raider” với tư cách là diễn viên. Đó là lúc cô mua cuốn hồi ký của Loung Ung với giá 2 USD ở một góc phố và nuôi ý định kịch bản cho bộ phim đặc biệt của riêng mình. Động lực khiến cho cô quyết tâm thực hiện bộ phim có lẽ cũng bởi vì một trong những người con nuôi của cô là Maddox có dòng máu Campuchia chảy trong cơ thể. Một người mẹ đương nhiên luôn muốn người con biết trân quý nguồn cội nơi mình đã từng sinh ra. Vào năm 2005, chính Angelina Jolie cũng đã nhập quốc tịch Campuchia – điều này càng chứng tỏ người nghệ sĩ muốn thấu hiểu sâu sắc vùng đất nào đó, họ cần trở thành một phần gắn bó mật thiết với nơi đó.

Mang đề tài lịch sử nhạy cảm lại được quay hoàn toàn ở vùng đất bản địa Campuchia thiếu trang thiết bị hiện đại cùng dàn diễn viên nghiệp dư chưa có nhiều kinh nghiệm, bộ phim nhận lại nhiều cái lắc đầu từ các nhà phát hành lớn và chỉ có Netflix giang rộng vòng tay chào đón Angelina Jolie cùng tác phẩm nặng nỗi niềm. Tuy nhiên, Netflix cũng có một vài điều kiện đặt ra, trong đó khoảng gần 20 phút phim đã bị cắt khi trình chiếu. Có thể đây là những thước phim bạo lực đẫm máu hoặc có yếu tố “đá xoáy” chính trị.

Hợp tác với nữ đạo diễn tài ba còn có sự góp mặt của nhiều tên tuổi bảo chứng uy tín như Rithy Panh – đạo diễn, quay phim người Pháp gốc Campuchia từng nhận đề cử Oscar cho hạng mục phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất; Marco Beltrami – người làm âm thanh với nhiều giải thưởng đáng giá, mới đây là thổi hồn cho phim “A Quiet Place”. Và cũng không thể quên Loung Ung – nữ tác giả của cuốn hồi ký đau thương, hỗ trợ đắc lực phần kịch bản cho bộ phim. Cô và Angelina Jolie cũng nhanh chóng trở thành bạn bè thân thiết.

Phim được quay liên tục trong vòng 2 tháng với chi phí 24 triệu USD – trở thành bộ phim lớn nhất từng được thực hiện ở Campuchia. Trong quá trình sản xuất phim, có đến 500 người Campuchia được tuyển chọn vào các vị trí khác nhau trong ekip, hơn 3500 người bản địa vào vai quần chúng trong đó có những người may mắn sống sót sau nạn diệt chủng Khmer Đỏ. Trong phim có phân cảnh quân Khmer Đỏ bị người dân Campuchia vây bắt, đây chính là những người lính thật bước ra từ cuộc chiến đang tái hiện lại khoảnh khắc đáng quên lãng nhất trong cuộc đời họ.

Tuy Angelina Jolie đã nỗ lực đưa nỗi mất mát của người Campuchia lên màn ảnh bằng cả tấm lòng chân thành nhưng vẫn phải thừa nhận phim còn một vài điểm yếu đáng tiếc. Phim kể chuyện dài dòng, thiếu trọng tâm, quá ôm đồm các thông điệp; dựng phim chưa thật sự tốt; khâu thiết kế mỹ thuật và phục trang chưa được đầu tư kỹ lưỡng. Nhất là việc các diễn viên được lựa chọn có vẻ hơi béo tốt cũng ảnh hưởng tới trải nghiệm điện ảnh của khán giả. Bởi vì thời điểm diễn ra nạn diệt chủng Khmer Đỏ, người dân Campuchia rơi vào tình trạng đói ăn hệt như năm 1945 ở nước ta, những thân hình gầy gò trơ xương dễ tạo độ chân thực và gây cảm động hơn nhiều những thân hình mũm mĩm.

4, Cam – nỗi suy tư “dám thay đổi” trong suốt quá trình làm phim

cam

Hãy tưởng tượng sau một đêm ngủ dậy, có một phiên bản khác của chính bạn, dữ tợn, biến thái hơn đang “bày trò mèo” trên mạng? Thật khủng khiếp đúng không? Nhân vật chính Alice lén làm nghề chat dâm trên mạng và ngày qua ngày cố gắng lọt vào top được yêu thích để có thêm thật nhiều khách. Nhưng cô cũng đưa ra 3 quy tắc cơ bản: không làm trò công khai, không nói yêu khách và không giả vờ “chạm điểm G”. Cuối cùng thì cái ngày cô không thể truy cập vào tài khoản của mình cũng đã đến, có đến 2 cô gái khác cùng lấy tên nick Lola phá vỡ mọi quy tắc của cô và Lola thật chỉ còn biết nằm yên bất động bàng hoàng nhìn mình mà không phải mình trên màn hình lớn.

Trong phim, biên kịch Isa Mazzei cũng tham gia một vai nhỏ với tư cách khách mời. Cô cũng có quãng thời gian “hành nghề” như nhân vật chính. Ý tưởng ban đầu của bộ phim hướng tới khơi gợi cảm giác đồng cảm từ khán giả dành cho những cô gái chat dâm trên mạng. Cảm hứng bắt nguồn từ các phim như “Videodrome (1983), Black Swan (2010) và Whiplash (2014)”. Sau đó Isa Mazzei nhận ra mình nên sử dụng những biểu cảm kinh dị của con người để hướng tới một chủ đề cụ thể nào đó hơn là tường thuật lại những gì đã xảy ra trong ký ức.

Tư duy chuyển hướng này đã khiến bộ phim Cam thành công khi đặt ra ranh giới giữa thực và ảo trong bản chất của con người để chúng ta biết lựa chọn sống sao cho tốt hơn. Đây chính là nỗi suy tư thứ nhất của nhà làm phim khi tiến hành tiếp cận những tác phẩm điện ảnh khác có giá trị “bậc thầy” nhưng họ vẫn cố gắng tiếp thu một cách sáng tạo mà không biến mình thành “bản sao”, phim của họ phải có chất riêng của họ.

Trên phim, khán giả không hề biết vì sao Alice lại rơi vào tình trạng “đánh mất mình” trên mạng và cái cô Alice giả mạo kia là ai, đến từ đâu? Nhưng thực chất trên kịch bản, đạo diễn Daniel Goldhaber và biên kịch Isa Mazzei đã lý giải khá rõ ràng. Nguyên nhân do một thuật toán quái ác của máy tính xuất phát từ dựa trên Lola One. Thậm chí, họ còn phác thảo những phân cảnh Ailce đi tìm Lola – nơi ở đó có máy chủ và những thiết bị rắc rối. Nhưng ngay sau đó họ nhận ra nếu giải thích sẽ khiến cho cốt lõi của câu chuyện bị xáo trộn, Alice không cần làm gì cả vì đơn giản là cô ấy muốn trở về là chính mình mà thôi. Đây là nỗi suy tư thứ hai của nhà làm phim khi họ sẵn sàng gọt bỏ nhiều diễn biến khác cho phim (dù chúng cũng tiêu tốn nhiều công sức mới có thể nghĩ ra) để đi đến kết luận cuối cùng, trở thành lựa chọn thích hợp trình chiếu trên màn ảnh.

Để hóa thân vào Alice xuất thần trên màn ảnh, nữ diễn viên Madeline Brewer đã diễn xuất tốt một mình ba vai với các sắc thái tâm lý khác nhau. Trên giao kết ban đầu của hợp đồng có sự xuất hiện của cảnh khỏa thân, tùy chọn khả năng được đóng thế nhưng cô quyết định tự mình có thể đảm nhận được. Trong phim đã xuất hiện những cảnh khỏa thân có ý nghĩa, không rơi vào phản cảm hay vô nghĩa. Biên kịch đã nhận xét: "Cách cô ấy xử lý cảnh đó thật thú vị”.

Phim phát triển theo hướng tâm lý kinh dị nên có lẽ những khán giả mong chờ những cảnh máu me, chém giết cấp độ nặng chưa thỏa mãn phim, điểm trên IMDb chỉ là 5,9/10 trong khi cà chua tươi lại lên đến 93%.

5, Period. End of Sentence – trăn trở về vấn đề vi mô để nhìn ra vấn đề vĩ mô

Period-End-of-Sentence

Trời ơi, phim về kinh nguyệt ư? Phim này chắc giáo dục sinh lý tuổi mới lớn, dùng để phát trong nhà trường đây mà. Không đâu nhé, đây là bộ phim tài liệu có ý nghĩa sâu sắc ngang ngửa với bất kỳ bộ phim điện ảnh chiếu rạp nào cùng đề tài bình đẳng giới. Và phim còn giành tượng vàng Oscar năm 2019 đấy nhé.

Nữ đạo diễn trẻ gốc Ấn Rayka Zehtabchi nhận ra rằng phụ nữ ở một số vùng đất lạc hậu trên đất nước cô vẫn luôn e ngại về vấn đề kinh nguyệt, coi nó là một “vết nhơ” cấm kỵ khó mở lòng. Từ đó mà dẫn đến những sự việc đáng buồn như thiếu nữ mới lớn phải bỏ học vì không đủ tài chính tiêu tốn vào các miếng băng vệ sinh, nhiều phụ nữ bị viêm nhiễm vùng kín khiến họ càng trở nên yếu ớt và không có tiếng nói trong gia đình. Chính từ nỗi trăn trở mang tính cá nhân, nhà làm phim đã nhìn ra một nỗi trăn trở khác lớn hơn, mang tính cộng đồng.

Bộ phim được lấy cảm hứng từ cuộc đời của Arunachalam Muruganantham, một nhà hoạt động xã hội đến từ Tamil Nadu, người đã phát minh ra hình thức sản xuất băng vệ sinh giá rẻ ở Ấn Độ. Thật may, nữ đạo diễn đã tìm được một Arunachalam thứ hai. Cô đi theo cuộc hành trình của Melissa Burton cùng đồng nghiệp hiện thực hóa dự án “The Pad Project” cung cấp công việc sản xuất băng vệ sinh giá rẻ bằng nguyên liệu địa phương ở chính nơi mà những người phụ nữ thiếu thốn dần “đổi đời”. Sức lan tỏa của dự án đã đóng góp tiếng nói tích cực tới hơn 20 địa phương khác trên Ấn Độ. Và khi phim được công chiếu rộng rãi tới công chúng, sức lan tỏa ấy còn lớn hơn thế.

Tuy nhiên, trước khi đưa ra quyết định cuối cùng tại lễ trao giải Oscar 2019, đã có một câu chuyện “lùm xùm” phía sau cánh gà. Một nam giám khảo đã viết vào phiếu bầu rằng: “Phim rất tốt, nhưng lại có nội dung về kỳ sinh lý của phụ nữ. Tôi không nghĩ bất kỳ người đàn ông nào bỏ phiếu cho bộ phim này bởi vì nó quá ngớ ngẩn đối với họ”. Từ đây có thể nhìn rộng ra vấn đề, bất bình đẳng giới vẫn luôn tồn tại trong xã hội này, ở mọi dạng thức khác nhau. Thế nên mới cần những bộ phim chân thực như Period. End of Sentence để khẳng định giá trị của người phụ nữ,

Ôm tượng vàng Oscar danh giá, nữ đạo diễn đã thốt lên rằng: “Bộ phim này không chỉ dành cho phụ nữ mà còn dành cho một nửa dân số còn lại. Những người đàn ông cũng cần phải tham gia vào cuộc đối thoại này”. Bất bình đẳng bớt những hệ lụy đáng tiếc khi cả hai giới cùng thấu hiểu nhau, dù là ở một chuyện nhỏ nhặt và đơn giản như chu kỳ kinh nguyệt – suy tư của nhà làm phim đã được chia sẻ rộng khắp tới khán giả thế giới.

6, Athlete A – trăn trở đưa cái ác ra ánh sáng

athlete-a-netflix

Netflix cũng khá nổi tiếng với những phim tài liệu thể thao dạng thức điều tra. Bộ phim mới nhất của Netflix đã dũng cảm vạch trần bác sĩ Larry Nassar – một kẻ ấu dâm đội lốt nhân viên y tế để quấy rối tình dục vận động viên thể dục dụng cụ nhí. Với số điểm tuyệt đối 100% cà chua tươi, 85 xanh lá trên trang Metascore khó có thể nghi ngờ chất lượng của bộ phim.

Đạo diễn Bonni Cohen và Jon Shenk lựa chọn cách kể chuyện đi theo nhóm phóng viên điều tra của tờ Indiananpolis Star. Với hai nhà làm phim, “một tòa báo nhỏ đã giúp thay đổi cuộc sống của hàng trăm phụ nữ”. Góc máy chủ quan trở thành người bạn đồng hành cho thấy các nhà báo đã tận tụy với công việc như thế nào khi bất chấp thời gian nghiên cứu tập bằng chứng 500 trang trong khi deadline đang áp lực lên họ.

Tên phim “Athelete A” gợi nhắc tới Maggie Nichols – vận động viên đầu tiên tố cáo tên bác sĩ biến thái. Nhà làm phim mong muốn “Người Mỹ nhìn nhận Olympic theo cách khác”. Đây không chỉ là chuyện cá nhân về gã bác sĩ bệnh hoạn Larry Nassar mà còn có tính phổ quát khi nghiêm khắc phê phán cách thức dung túng tội ác, sự vội vàng của định kiến xã hội đã vô tình đẩy các nạn nhân rơi vào thế bế tắc chưa dám tố cáo để bảo vệ quyền lợi của mình.

Quá trình làm phim tài liệu dạng này vô cùng vất vả, tốn nhiều thời gian và đòi hỏi nhà làm phim giữ thái độ kiên nhẫn và tin vào lẽ phải. Họ luôn ám ảnh bởi nỗi trăn trở làm thế nào để đưa cái ác ra ngoài ánh sáng. Và thật đáng mừng, họ đã thành công.

7, Sol Levante – mong muốn nâng tầm giá trị anime truyền thống bằng công nghệ hiện đại

Sol-Levante-neflix

Một anime dài chưa đầy 4 phút, khán giả không hề cần bật phụ đề vì suốt phim không có câu thoại nào. Đó là hình dung ban đầu về Sol Levante – bộ phim đặc biệt khi Netflix kết hợp cùng Production I.G (một xưởng phim có tiếng tại Nhật Bản).

Sol Levante đúng như tên gọi ẩn dụ “Mặt trời phương Đông” là tác phẩm có ý nghĩa tiên phong nhờ quá trình sản xuất đột phá. 4 phút ngắn ngủi đã giúp các nhà làm phim trẻ hiện thực hóa mong muốn nâng tầm giá trị anime truyền thống, đánh bay” định kiến của một số người vẫn cho rằng phim càng ngắn thì đầu tư chất lượng càng ít.

Chỉ với 6 thành viên thay vì một ekip làm hoạt hình kỹ thuật cao hùng hậu, phim thể hiện tâm thế dám chấp nhận thử thách, nâng cấp những nét vẽ tay anime truyền thống đặt vào khuôn khổ của chất lượng 4K- HDR.

Với số lượng nhân lực ít ỏi, mỗi cá nhân trong đoàn dồn công sức lao động nghệ thuật và giữ vững thái độ kiên định nhắm tới đích đến tốt nhất cho tác phẩm. Một người đảm nhận công việc của 2-3 người là chuyện bình thường. Như khi bạn vừa là họa sĩ anime vẽ tay vừa kiêm luôn diễn hoạt họa và dựng hoạt họa.

Bằng công nghệ sản xuất anime 4K- HDR, phim vẫn giữ được cái hồn của anime qua biểu cảm khuôn mặt của nhân vật thay vì đơ cứng như cách làm 3D. Phim cũng đầu tư âm thanh 3 chiều cả về âm nhạc lẫn tiếng động khiến cho cảm giác trải nghiệm điện ảnh chạm tới mức “phê” và “đã” vô cùng.

Những suy tư của nhà làm phim không phải lúc nào cũng dễ dàng được khán giả nắm bắt trọn vẹn, chính vì thế, chúng ta nên giữ thái độ xem phim một cách kỹ lưỡng hơn. Khi đã thấu hiểu phần nào tâm tư của nhà làm phim, cảm giác như là được ngồi tâm sự với một người bạn hiểu biết. Kinh nghiệm, quan niệm sống của họ giúp ta có những lời khuyên hữu ích.

Xem phim không đơn thuần chỉ vì giải trí, mà còn để hoàn thiện và biết rõ hơn về cuộc sống xung quanh, biến động của xã hội, cách duy trì các mối quan hệ giữa con người. Bạn đã từng xem một bộ phim nào nặng về suy tư đến từ các nhà làm phim chưa? Cùng chia sẻ với Rạp chiếu phim tại Group Review Phim nhé!